“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

BÀI HỌC LÀM NGƯỜI

Cốc, cốc, cốc …

Ai đó, mời vào! – Cánh cửa mở ra, trước mặt tôi. Một trò lớp 6, vẻ hoảng hốt.

Thưa cô, em bị mất điện thoại! – Em run giọng nói.

Sao? Mất điện thoại à? Sao em không gởi điện thoại lên văn phòng như nội quy? – Tôi nóng nảy quát nạt.

Thưa cô, em xin lỗi. Em đi trễ nên quên.

Không quên gì hết. Không nộp điện thoại mất ráng chịu – Tôi lạnh lùng kết luận. Cậu bé tiu nghỉu trở ra.

Sao mà bực mình quá. Mới có mấy tuần đầu năm mà mất ba cái điện thoại và tại cùng lớp này. Rõ ràng đây là điều tối kỵ của trường, bởi không chỉ mất cái điện thoại nhưng là mất cả niềm tin. Niềm tin giữa các học sinh và giữa nhà trường với các em. Vì thế, mặc dù đã kết luận nhưng ngay lập tức tôi lập phương án tìm chiếc điện thoại.

Thử làm thám tử Sherlock Holmes, tôi gọi thử vào số máy của em. Một tiếng nữ dịu ngọt vang lên: “Số máy quý khách liên lạc tạm thời ngưng hoạt động. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. “Em này quả là cao tay, làm sao vui lòng được” – tôi lẩm bẩm và quyết định vào cuộc. Cầm chồng sổ liên lạc vào lớp, tôi hỏi các em lý do vì sao giám thị phải đến lớp. Các em đã biết câu chuyện mất điện thoại nên tôi bắt đầu ngay câu chuyện. Sau khi nói với các em về việc mất điện thoại và những hậu quả gây ra, tôi thử phương án 1 là đề nghị học sinh nghỉ học một tuần cho tới khi tìm ra điện thoại. Quan sát, tôi thấy mặt các em không lộ vẻ gì sợ hãi hay lo lắng, tôi nhận ra phép thử này không có kết quả. Bèn thực hiện phương án 2.

Em mất điện thoại lúc nào? – Tôi gọi em mất điện thoại đứng lên và tra hỏi.

Thưa cô lúc ra chơi.

Tại sao em chắc là lúc ra chơi?

Thưa cô, em có cầm lên rồi để vào hộc bàn rồi mới ra chơi.

Khi nào em biết mình mất?

Thưa cô lúc vào học. Em vào chỗ và không thấy điện thoại nữa.

Cô hỏi cả lớp: Có mấy em ở trong lớp học khi ra chơi? – 6 cánh tay giơ lên sau câu hỏi của tôi. Tôi hỏi tiếp:

Các em có biết là không được phép ở trong lớp học lúc ra chơi không?

Thưa cô biết.

Vậy thì các em khác không liên quan. Sau giờ học các em có thể về, 6 em này và em mất điện thoại sẽ gặp cô trên văn phòng! – Tôi cảm ơn giáo viên và đi ra. Chợt có một em đứng lên:

Thưa cô, có khi nào một bạn ở lớp khác lấy không? – Tôi hơi giật mình, hiểu ra nếu em đó thuộc lớp khác thì quả là tôi bị ‘phá sản’.

Cảm ơn em đã gợi ý – Tôi trở về văn phòng, trong đầu vương nhiều câu hỏi.

Cốc cốc cốc…

Vào đi! – Một học sinh nam bước vào sau tiếng gõ.

Thưa cô, em có thấy một bạn vào lớp và đi vào phía nhà kho, rồi khùa tay vào chỗ chồng ghế.

Em có chắc là bạn không?

Thưa cô, chắc. Em chắc đó là bạn A, không phải học sinh lớp em.

Sau thông tin, tôi lại tiếp tục một phép thử khác. Tôi đến lớp có em A, nói chuyện gì đó với cô giáo. Thấy A lấm lét và hay nhìn trộm, tôi giả vờ lôi ra chiếc điện thoại, em càng nhớn nhác hơn. Tiếp tục, tôi sắp xếp để gặp nhóm 6 em, cùng lúc cho người hướng dẫn học sinh làm vệ sinh lớp, và vừa bảo vệ không cho em nào đến gần khu nhà kho. Đồng thời cho một giám thị khác gọi A vào nói chuyện.

Sau những trao đổi ngắn, tôi xin các em nếu có thông tin gì mới hãy báo lại nhà trường. Tôi dặn các em không được nghi ngờ bạn nào vì như thế sẽ làm mất danh dự người khác. Rồi giải tán các em.

Và thật không ngờ, tôi đã tìm và phát hiện chiếc điện thoại dưới chồng ghế đúng như thông tin em nam cho. Tôi vui, nhưng không phải vì bắt được thủ phạm mà là tìm lại được niềm tin.

Vào văn phòng, em A đang nói chuyện với giám thị. Em chối không biết, nhưng khi tôi rút ra cái điện thoại, người em run lên bần bật. Tôi trấn an em rằng chỉ có tôi và giám thị biết chuyện, cũng chẳng buộc tội em. Chỉ nói không biết ai đã lấy, có thể là ai đó và cũng có khi là em, nhưng nếu ai can đảm nhận thì quả là can đảm, vì dám trách nhiệm trên hành vi của mình.

Tôi bỏ qua chuyện, hỏi thăm gia cảnh em thấy thật đáng thương. Gia đình của em tan vỡ, cha bỏ đi, mẹ làm công nhân nuôi con mà không đủ. Tiền nhà trọ cũng chiếm khoản lớn. Qua tâm sự, những gì nhà trường biết về em là rất ít, còn bao góc khuất đè nặng mái đầu tuổi teen. Mở cho em một tương lai tốt đẹp cần vươn tới, chúng tôi khích lệ em và hứa sẽ đến thăm gia đình. Từ sợ hãi em mang một tâm trạng thật vui vì được thông cảm và yêu mến. Cho em về, tôi dặn em gọi điện thoại lại khi đã về nhà, cũng dặn em nếu về suy nghĩ xem có điều gì áy náy lương tâm hãy đến văn phòng gặp tôi. Và em đã đến, vui tươi hơn, cởi mở hơn. Em giống như một con người khác.

Câu chuyện đem lại cho tôi cả niềm vui lẫn nỗi buồn, nhưng trên hết tôi thấy quan tâm đến thanh thiếu niên hiện nay không đơn giản là để cho các em học tập, vui chơi nhưng còn là để rèn nhân cách. Tôi nghĩ đến lãnh vực trí thức, quả thật nhà trường không thiếu những sáng kiến và nỗ lực, tuy nhiên cái thiếu lớn là thiếu việc học làm người, thiếu môi trường lành mạnh, thiếu những gương sáng để noi theo.

Một cái thiếu khác mà tôi xem ra rất cơ bản đó là huấn luyện cho các em về lương tâm, một luật tự nhiên trong tâm hồn con người, dậy người ta làm lành lánh dữ, yêu điều phải và ghét điều gian dối. Tuy thế, vì lo chạy theo chương trình, rất nhiều lần tôi đã bỏ qua những giờ dậy về đạo đức, nhân bản quý báu này. Và tự nhiên tôi nhớ đến vòng xoay Tam Hiệp với kỳ tích “hôi bia”, rồi biết bao vụ khác, đặc biệt vụ lật xe vào tháng 9 gần đây tại Sa-Pa, trong khi người bị nạn và gia đình nửa sống nửa chết, vẫn có những cú điện thoại gọi đến mời đi “chuộc lại kỷ vật” của mấy tay hôi của.

Thế mới hay, làm người khó lắm!

Giờ đây, trước mắt tôi hàng ngày cả ngàn học sinh, nhưng trong mắt các em tôi chỉ đọc được một câu hỏi duy nhất: “Làm thế nào để có thể học làm người tốt?”.

Trích Chuyên đề Don Bosco số 32

 

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG