Sáu năm ngồi trong giảng đường đại học, không biết với bạn bè đồng trang lứa thì như thế nào, nhưng với tôi, đó là một khoảng thời gian dài với rất nhiều những thăng trầm. Đó là lý do vì sao khi biết tin ngày dự kiến sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp cho các bác sĩ đa khoa khóa mình, tôi về tíu tít với mẹ:
Mẹ ơi, ngày 4/11 này là lễ tốt nghiệp của con đấy!
Thật thế à? – Ánh mắt mẹ tôi ánh lên vì vui sướng, nhưng cũng có chút hoài nghi: “Chắc chắn chưa đấy cô, hay chỉ mới dự tính thế?”.
Hì hì – Tôi toét miệng cười vì mẹ đã đoán trúng cái “tài lanh” của mình, thế nhưng vẫn còn trả lại một câu: “Nhưng mà con nghĩ là đúng đấy, dự kiến thì cũng 90% là đúng rồi mà mẹ”.
Nhìn cái mặt tí tởn kìa – Mẹ cười, và cũng không quên gửi trả cho tôi một cái liếc yêu. Mẹ phản ứng thế, chứ tôi biết trong lòng mẹ, cũng đang dâng lên một niềm vui khó tả: “Ừ thì con út của mẹ cũng sắp bước vào đời rồi…”.
* * *
Ba mất hồi hè, khi tôi học lớp 4. Với tiệm tạp hóa nho nhỏ, nuôi thêm mấy chuồng thỏ và vài con heo nái, một mình mẹ tôi tần tảo lo cho năm chị em tôi ăn học. Mẹ vẫn thường thủ thỉ với chị em tôi khi ngồi quây quần bên bữa cơm, rằng: “Khi còn sống, ba các con vẫn hay nói, gia đình ta cũng không có của cải gì nhiều, ba mẹ cũng không có của hồi môn cho các con, nhưng ba mẹ hứa sẽ cho mỗi đứa một cái nghề, để tự lo cho mình được. Ba mẹ chẳng cần tụi con trả hiếu, chỉ cần tự mình sống và luôn hạnh phúc là ba mẹ an lòng rồi…”. Mỗi lần nói đến đây, lúc nào đôi mắt mẹ cũng ngấn nước. Chị em tôi ngày đó còn nhỏ, chỉ biết nhìn nhau im lặng, vẫn chưa hiểu hết được câu nói dặn dò của mẹ. Rồi mẹ lại tiếp lời: “Ba con đi sớm bỏ lại mình mẹ với các con, ông cũng chẳng muốn thế, có lẽ lúc ông nhắm mắt trong đầu cũng còn lắm trăn trở… Mẹ sẽ cố gắng giúp ba con thực hiện được ý nguyện của ông, và cũng là của mẹ. Tụi con phải cố gắng hết sức mình nghe không”. Đó là câu chuyện mà bất kì chị em nào trong gia đình tôi, đều nhớ rất rõ cho đến tận bây giờ.
Mười lăm năm trôi qua kể từ ngày ba mất… Chị cả tôi giờ đã trở thành giáo viên cấp II ở trường huyện, cũng đã yên bề gia thất với hai cậu nhóc kháu khỉnh. Chị thứ hai kinh doanh tiệm phở nho nhỏ, một cháu gái và một cháu trai, cuộc sống dư giả trên thành phố. Chị thứ ba chưa có gia đình, nhưng cũng là một nhân viên ngân hàng nhà nước có tên tuổi đàng hoàng. Còn chị kế tôi thì yêu xa, rồi cũng lấy chồng xa, Hà Nội và TPHCM cách biệt, chị chuyển công tác ra Hà Nội để sống và yên bình với gia đình. Ngày đưa tiễn chị mà mẹ và chị em tôi ai cũng ròng ròng nước mắt, dù chỉ 2 giờ bay đấy thôi, nhưng nghĩ cảnh hơn nghìn cây số mà thấy mủi lòng. Thế đấy, khi mọi người đều đã yên ổn, thì mọi sự trông mong cho tôi cũng có được cái nghề, có lẽ lại là một niềm mong đợi lớn…
* * *
Tao xin nghỉ ngày lễ Tốt nghiệp của mày rồi đấy – Chị thứ ba, là chị duy nhất còn sống với tôi và mẹ, cất tiếng trong bữa cơm tối, giọng điệu rất hí hửng.
Nhanh dữ, rồi lỡ đổi ngày chắc vui à, mới dự kiến thôi đó – Tôi vừa cười vừa nói.
Ha ha, đổi thì tính tiếp.
Tiếng cười giòn tan hôm ấy, quyện trong sự ấm áp của bữa cơm tối, mới thật ý nghĩa làm sao…
Mẹ chuẩn bị cho tôi rất chu đáo, từ việc mua vải may áo dài mặc trong ngày lễ. Rồi thì áo thụng tôi mang từ trường về, mẹ vò tay từng chỗ một, ngâm dầu xả vải thơm phức, rồi ủi thẳng treo trong tủ quần áo sẵn. Mỗi tối tôi còn mân mê đọc ít tài liệu y khoa trong mấy ngày rảnh rỗi, mẹ lại hối đi ngủ sớm, hôm thì vắt nước cam, hôm thì xay sinh tố ổi, dâu, xoài đủ cả, thậm chí cả sữa Ensure mang lên đến tận bàn học mà bảo: “Uống rồi ngủ sớm đi, gầy như cò ma mặc áo dài với chụp hình xấu lắm đó”
Sáng mùng 3/11, tôi nhận được tin chị cả sẽ từ quê xuống chơi và chúc mừng tốt nghiệp của tôi. Chị dẫn theo cả hai cháu xuống để chia vui với dì luôn. Tôi vui lắm, lâu lắm rồi mới có được dịp chị thư thả xuống chơi mà không phải dịp lễ tết thế này. Cái sự nhiệt tình ấy, tôi quý lắm, thương lắm…
Cũng ngày hôm đó, tôi lu bu đủ chuyện, nào là đi tập dợt nghi thức lễ, rồi đi chụp hình kỷ yếu với bạn bè cùng lớp, rồi thì chuẩn bị giày dép, quần áo đủ cả. Mệt phờ vì một ngày hoạt động, tôi tranh thủ đi ngủ sớm, cũng để giữ da cho đẹp mai còn trang điểm gì này nọ. Con gái mà, phải điệu chứ! Lúc đó cũng tầm 11 giờ khuya. Đang nằm xuống, tôi nghe bên dưới nhà có tiếng mở cổng, rồi thằng cháu nhỏ con chị cả chạy lên bảo: “Dì ơi, có bạn dì kiếm kìa”. Nghĩ thầm trong bụng: “Giờ này còn ai kiếm mình vầy nè, trễ quá rồi”. Tôi lò dò bước xuống cầu thang, mắt nhắm mắt mở, và chính vì đang mơ màng, tôi không tin vào mắt mình, rẳng chị Uyên – chị kế tôi, đang bế trên tay nhóc Điền 11 tháng, với mọi người trong nhà đều ở phòng khách, đang háo hức trước sự bất ngờ của tôi. Không tin vào mắt mình, tôi dụi dụi hai mắt, thì cả nhà phá ra cười, đúng là Uyên và Điền rồi, hai mẹ con từ Hà Nội bay vào TPHCM, mà còn giấu để tạo niềm vui cho tôi… Tôi đã không thể giấu nổi sự vui sướng của mình, hai chị em chắc gần 1 năm hơn không gặp, và cũng là lần đầu tiên tôi thấy mặt cháu nhỏ của mình. Nhìn cậu nhóc ngây ngô, chắc cũng mệt vì lần đầu tiên đi máy bay, đang tròn xoe mắt nhìn tôi, chỉ muốn lại nựng và cắn yêu cho một cái.
Bao mong đợi rồi cũng tới, sáng mùng 4/11, cả gia đình tôi đón tắc-xi lên Nhà hát Hòa Bình dự lễ. Vì mỗi sinh viên tốt nghiệp chỉ được một vé mời cho một phụ huynh đi thôi, nên lúc tới nơi, những tưởng mọi người phải ở ngoài đợi, thế mà may mắn lắm, bạn bè tôi gia đình cũng có việc bận không đi dự được, cho vé mời. Một hồi sau, mọi người ai cũng có mặt trong hội trường để tận mắt thấy tôi lên giơ tay thề hứa lời hứa của ông tổ ngành y thế giới, và nhận tấm bằng Bác sĩ đa khoa. Chính cái giây phút thiêng liêng ấy, nhìn ánh mắt của mẹ và các chị, tôi thấy cảm xúc mình vỡ ào, không nói nên lời, chỉ nghẹn ngào những giọt nước mắt. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu, khóc chưa chắc đã là buồn, mà hạnh phúc quá cũng làm những giọt lệ có thể rơi…
Chúng tôi tận hưởng những khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau, trước khi mọi người ai nấy lại quay về và vào guồng với công việc của mình. Mọi thứ không khoa trương, không rầm rộ, không tiệc tùng, không bánh trái, nhưng lại tràn đầy sự ấm áp của tình yêu gia đình. Tôi hiểu lý do tại sao mọi người lại hy sinh những việc riêng của mình, để về trong ngày trọng đại của tôi, tất cả chỉ gói gọn trong hai chữ “Yêu thương”. Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, tôi không quên thầm thì với ba vài câu trong lời cầu nguyện:
Ba ơi, hôm nay con gái của ba đã tốt nghiệp rồi nhé, đã bước qua một chặng đường mới rồi. Ba vui lắm, đúng không? Ba ở trên cao kia chắc đã mãn nguyện rồi ba phải không? Con đang rất vui vì những tình cảm mà mẹ và các chị dành cho con, con thấy mình được sưởi ấm vì gia đình nhỏ này biết bao. Mong gia đình ta mãi yêu thương nhau thế này nha, ba…
Rồi tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, với một nụ cười trên môi…
Thanh Huyền