“Chỉ cần các con còn trẻ, đủ để cha hết lòng yêu mến các con.”

ADN CỦA KITÔ HỮU

Công đồng Giê-ru-sa-lem diễn ra vào năm thứ 50 sau Công nguyên, đánh dấu khởi đầu của một hành trình cho thấy có một ánh nhìn khác về sự hiện diện của Giáo hội. Sách Công vụ tông đồ đã đề cập đến các tiêu chuẩn khác biệt khi truyền giáo cho dân ngoại. Đối với một số người, như Thánh Phao-lô, chỉ cần đón nhận Tin mừng của Chúa Giê-su vào cuộc sống. Trái lại, những người khác lại tìm cách đào sâu các chi tiết bên ngoài, sao cho phù hợp với tiêu chuẩn của Do Thái giáo khi đón nhận các tân tòng. Với kinh nghiệm này, cộng đoàn là nơi mọi người cùng tham gia, thảo luận và được lắng nghe. Ki-tô giáo đã không còn là không gian cứu rỗi của người Do Thái nhưng trở nên phổ quát dành cho mọi người. Đó không phải là không gian của sự đồng nhất mà là nơi tôn trọng sự khác biệt cũng như sự phong phú khi tìm kiếm công ích góp phần làm tăng trưởng sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Thánh Phê-rô trong thư gởi giáo đoàn An-ti-ô-ki-a đã viết: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này […]. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi” (Cv 15,28-29). Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần thích hợp với tính hiệp hành, nếu không thì không còn là hiệp hành nữa. Công đồng Giê-ru-sa-lem cho chúng ta thấy một điểm quan trọng khi đối diện với những khác biệt và tái khám phá “sự thật trong tình bác ái” (Ep 4,15). Công đồng gợi nhắc những phương thức mà Giáo Hội đã dùng để giải quyết xung đột dựa trên đối thoại, kiên nhẫn lắng nghe với sự chú tâm. Tiến trình này được thực hiện dựa trên sự phân định dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thánh Thần – Đấng giúp chúng ta vượt qua những khép kín và căng thẳng. Ngài hoạt động trong tâm hồn nhằm đạt đến sự thật và thiện ích dẫn đến hiệp nhất (ĐTC Phanxicô, Tiếp kiến chung ngày 23/10/2019, Giáo lý theo sách Công vụ tông đồ).

Nhưng hành trình xuyên thời gian về thời kỳ đầu của Giáo Hội gồm những gì? – Là nhận ra tính hiệp hành đã được trải nghiệm ngay từ lúc Giáo hội mới được khai sinh. Đó là một hạn từ mà hôm nay chúng ta được mời gọi để khám phá. Nó đang chảy trong huyết mạch của mỗi chúng ta. Hạn từ “hiệp hành” theo nghĩa đen là “một hành trình cùng nhau thực hiện”, là hành động quy tụ một số người hướng tới mục đích chung.

Đó không chỉ là “bước đi cùng nhau” nhưng muốn nhắm đến toàn bộ quá trình hướng đến mục tiêu.

Nó cho biết có hai hay nhiều người có chung một đích đến và đang thực hiện các bước cần thiết để đạt đến mục tiêu đó. Từ những nỗ lực đầu tiên này, chúng ta được mời gọi để sống sự hiệp hành. Chúng ta hướng về Công đồng Vaticano II với lời mời gọi sống hiệp thông và tính hợp đoàn, ngay cả khi các giáo huấn của Công đồng Vaticano II cũng không đề cập rõ ràng hạn từ hiệp hành. Nhưng điều đó vẫn có thể khẳng định rằng diện mạo và bản chất của hiệp hành là điểm then chốt của sự canh tân được công đồng thúc đẩy.

Sứ vụ canh tân vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, ngang qua Đức Thánh Cha Phanxicô. Bằng nhiều cách thức khác nhau, ngài luôn cố gắng diễn tả khuôn mặt thực sự của tính hiệp hành: tình huynh đệ, cộng đoàn và một kinh nghiệm mới về nhân loại.

Chính nhờ nỗ lực tham gia và hợp tác này mà mọi người đều được thúc đẩy đảm nhận: các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, linh mục, tu sĩ, người đời, các cộng đoàn giáo dục. Mục tiêu là hiệp hành được diễn tả qua nhiều cách thức: làm việc nhóm, sự hiệp thông, sự sẵn sàng, ngôn sứ cùng nhau, sự tập hợp, đi ra, cùng nhau tìm kiếm, thiện ích chung, chia sẻ trách nhiệm.

Lời Chúa giúp hợp nhất và mang lại ý nghĩa cho mục tiêu chung là nhân bản hóa chính mình để góp phần vào tiến trình nhân bản hóa chung. Do đó, mỗi người cần phải bước đi với những người khác, cùng với những người khác hiện diện trong tình trạng hiệp hành truyền giáo. Cùng nhau hành trình là điều mà chính Chúa Giê-su đề xuất và nhờ đó chúng ta được nhận diện. Như những người hành hương và lữ hành, các Kitô hữu chấp nhận lời mời gọi này trong cuộc đời của họ (lời mời gọi hướng tới một sứ mệnh khi lãnh nhận Bí tích rửa tội). Mục tiêu cần đạt tới: làm cho trái tim mỗi người trở nên nhân bản hơn, hòa hợp hơn với cõi lòng của Chúa Cha.

Giáo Hội đang hướng tới Thượng Hội Đồng năm 2023. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Thượng Hội Đồng là cơ hội tuyệt vời “để hoán cải mục vụ trong chìa khóa truyền giáo và đại kết […]. Cha chắc chắn rằng Thánh Thần sẽ hướng dẫn và ban cho chúng ta ân sủng để cùng nhau tiến về phía trước, để lắng nghe nhau, bắt đầu phân định về thời đại của chúng ta, trong sự nối kết với những cuộc đấu tranh và khát khao của nhân loại”.

Giữa bóng tối và ánh sáng, đời sống thánh hiến tiếp tục được chất vấn và biến đổi. Sơ Liliana Franco Echeverri, ODN, Chủ tịch Liên hiệp các dòng tu thuộc Châu Mỹ La Tinh – CLAR, trong Tạp chí Đời sống tu sĩ số tháng 10 có viết: “Giáo Hội và xã hội hôm nay đòi hỏi chúng ta phải thực hành trong cộng thể ngôn sứ một hành trình ý thức là đoàn dân Thiên Chúa, can đảm khiêm nhường vạch trần những quyền lực rối loạn làm mất đi nhân tính. Vấn đề là trở về với sự tinh tuyền của Tin Mừng và lựa chọn tình yêu mang lại phẩm giá. Dường như là điều không thể khi chúng ta dấn thân cho tình huynh đệ. Điều này lại trở thành chứng tá xác thực mà chúng ta có thể trao tặng cho con người hôm nay”.

Với tư cách là người Con Đức Mẹ Phù Hộ, trong thời điểm tạ ơn mừng 150 năm thành lập Hội dòng, TTN XXIV mời gọi các chị em, những người đời, cộng tác viên, các học viên, các gia đình: “Như một cộng đoàn giáo dục, mở ra cho việc đối thoại với cuộc sống, chúng ta được mời gọi hướng tới một sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng theo phong cách Hệ thống Giáo dục Dự phòng. Cộng thể loan báo Chúa Giê-su bằng đời sống, đảm nhận những thách đố của việc thay đổi và chứng tá cho những giá trị Tin Mừng, chấp nhận những dạng thức nghèo đói khác nhau đang hiện diện tại các vùng ngoại biên và các vùng ven xét về mặt về địa lý”.

Năm 2022 này là thời gian thực tập tốt với những dự phóng hay định hướng cho kế hoạch riêng, giúp cho việc nhận biết những nỗ lực của người bạn đồng hành, để can đảm tiếp tục cùng nhau. Khởi đi từ những mỏng dòn và thành công cá nhân, không phải lúc này hay lúc khác, nhưng chỉ có thể làm một điều duy nhất là nên một hơn nữa theo Thánh Ý Chúa Cha. Đó cũng là việc tìm kiếm những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn nhân loại.

Maria Baffundo, FMA
(trích tập san FMA, số 1/2022)

Bài viết liên quan

spot_img

Dõi theo chúng tôi

Nên Biết

Bài viết ngẫu nhiên

error: Welcome to THE GIOI SALEDIENG