Khi trẻ em bắt đầu trở lại trường học, cha mẹ có cơ hội lý tưởng để đưa ra một số quyết định mới.
Một năm học mới sắp bắt đầu. Đó là một thách đố mới khiến chúng ta cảm thấy muốn làm điều gì đó cho con cái chúng ta. Vì vậy, hãy cùng xem qua một số quyết định tốt mà chúng ta có thể thực hành, đặc biệt là khi chúng liên quan đến việc giúp con cái chúng ta phát triển về mặt tinh thần. Những điều sau đây không là giải pháp cuối cùng và cũng không bắt buộc – đó chỉ là một vài điểm gợi ý để suy tư.
1. HÃY DÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CỦA CHÚNG TA CHO THIÊN CHÚA
Vào Chúa Nhật, chúng ta nên ưu tiên hàng đầu cho việc tham dự Thánh lễ… ngay cả khi phải chấp nhận hy sinh điều gì đó để đổi lấy những hoạt động mang tính tôn giáo diễn ra vào sáng Chúa Nhật cùng với con cái chúng ta. Tất nhiên, bạn luôn có thể đi tham dự Thánh lễ vào chiều tối thứ Bảy. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta không tham dự Thánh lễ chỉ vì bổn phận, hoặc giúp chúng ta thoát khỏi những hoạt động thông thường khác. Làm cho Chúa Nhật trở thành Ngày của Chúa có nghĩa là tổ chức một ngày sum họp với nhau trong bữa tiệc Thánh Thể. Điều quan trọng là chúng ta phải suy nghĩ và cân nhắc về điều này khi chúng ta đăng ký cho con em của mình tham gia các hoạt động ngoại khóa khác.
2. DÀNH THỜI GIAN CUỐI TUẦN CHO GIA ĐÌNH
Không nhất thiết chúng ta phải tiêu nhiều tiền vào cuối tuần; đến những công viên giải trí hoặc trung tâm mua sắm đắt tiền để có những ngày cuối tuần khó quên. Nhưng trên hết, trẻ em cần cảm thấy rằng cha mẹ luôn sẵn sàng dành thời gian cho chúng: chúng thích cười đùa và vui chơi với bố mẹ, đùa giỡn, chơi những trò đùa thực tế, lên kế hoạch vui chơi bất ngờ và cùng nhau nấu ăn. Càng nhiều càng tốt! Điều quan trọng là nhắc nhở trẻ nên làm bài tập về nhà vào thứ Bảy, để Chúa Nhật, đối với mọi người, phải là một ngày nghỉ ngơi và thư giãn.
3. TỔ CHỨC LẠI VIỆC CẦU NGUYỆN TRONG GIA ĐÌNH
Nếu bạn đã có thói quen cầu nguyện chung như một gia đình, bạn có thể làm gì để làm cho điều đó tốt hơn những năm trước? Cố gắng tìm ra những điểm yếu, những khó khăn cũng như những thành quả đã đạt được và rút ra những kết luận cụ thể. Có nên thay đổi không gian cầu nguyện không? Chúng ta nên tìm một thời điểm tốt hơn để cầu nguyện hay giữ nguyên chương trình cũ? Các kỳ nghỉ có thể là thời điểm khám phá và thăng tiến theo nghĩa này: có cách nào để tiếp tục điều này trong suốt cả năm không?
4. CẢI THIỆN VIỆC TỔ CHỨC GIA ĐÌNH MỘT CÁCH CHUYÊN NGHIỆP HƠN
Thông thường, những thời điểm như Mùa Vọng hoặc Mùa Chay hoặc một ngày lễ trong phụng vụ đến với chúng ta có thể sẽ bất ngờ, và chúng ta không có thời gian nhiều để chuẩn bị đúng cách. Tốt hơn là nên đánh dấu vào lịch năm học, từ tháng 9 năm này đến tháng 9 năm sau, khi bắt đầu chuẩn bị cho Mùa Chay hoặc các mùa và các lễ khác nhau. Bạn cũng có thể đánh dấu Ngày Bổn mạng của mỗi người trong gia đình mình, cũng như ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội của họ. Bạn cũng có thể thêm các sự kiện cụ thể cho gia đình mình, như một số sự kiện vui hoặc buồn. Bạn nên ghi lại tất cả chúng vào đầu năm học, vì thời gian sau đó trôi qua rất nhanh khiến chúng ta không có thời gian để ghi nhớ những sự kiện đó một cách chính xác. Cuốn lịch này nên được treo lên để mọi người cùng theo dõi, để có thể dễ dàng tham khảo, hơn là để nó ở phía sau ngăn kéo ở đâu đó.
5. TỔ CHỨC LẠI KHÔNG GIAN NGÔI NHÀ
Cuộc sống của người Kitô hữu không chỉ là cầu nguyện. Nó cũng có nghĩa là yêu thương nhau, sống như anh em một nhà. Tất cả các bậc cha mẹ đều biết rằng, sự hòa hợp giữa anh em không phải lúc nào cũng dễ dàng. Không nghi ngờ gì nữa, điều này không chỉ phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi người, vào đời sống nội tâm của họ, mà còn phụ thuộc vào sự điều chỉnh nhất định của môi trường vật chất xung quanh. Đúng là một không gian sống quá nhỏ, thiếu sân chơi và cuộc sống ồn ào của thành phố không phù hợp cho cuộc sống yên bình. Không thể có được một ngôi nhà lớn hơn chỉ với một chiếc đũa thần, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách sắp xếp đồ đạc, cách phân chia phòng ngủ cho các con, v.v.. Tất nhiên, con cái chúng ta cần học cách chấp nhận nhau, chung sống hòa thuận, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng tốt nhất bạn nên cố gắng tạo điều kiện học tập kiểu này càng nhiều càng tốt.
6. SUY NGHĨ THẬN TRỌNG VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC CỦA TRẺ SAU GIỜ HỌC
Những hoạt động sau giờ học mà chúng ta sẽ đề xuất, gợi ý hoặc cho phép con em chúng ta làm trong năm nay sẽ là gì? Việc lựa chọn hoạt động nên phù hợp với một số tiêu chí: tính khả thi, sở thích và năng khiếu của trẻ cũng như giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục là quan trọng hàng đầu: mọi hoạt động nên giúp trẻ phát triển và trưởng thành. Chúng ta không thể để giáo dục tôn giáo như một vấn đề phụ. Tinh thần chung của tập thể cũng quan trọng như màn trình diễn trên sân chơi. Trở thành nhà vô địch bóng đá hay thể dục đều được, nhưng không phải bất cứ giá nào. Thật tốt khi làm quen với thế giới sân khấu hoặc khiêu vũ, nhưng không phải trong bất kỳ bối cảnh nào.
Ngoài ra, trẻ em có thể dành thời gian của chúng cho người khác. Điều cần thiết là chúng phải học cách cảm thấy một sự biết ơn nào đó đang khi chúng sử dụng thời gian. Chắc chắn đúng là không phải cha mẹ quyết định cho con trai hoặc con gái của họ trở thành thủ lĩnh hướng đạo, nhưng những đứa trẻ sẽ không thể thực hiện những cam kết này nếu cha mẹ chúng ngăn cấm hoặc nếu không được cha mẹ khuyến khích và ủng hộ. Chúng sẽ không có động lực thực hiện nếu chúng nhận thấy rằng cha mẹ chúng chỉ lo lắng về hiệu quả và thành công vật chất. Chúng có thể đánh mất động lực tình nguyện dành thời gian của mình nếu chúng thấy cha mẹ mình bị bó buộc vào quá nhiều sự cam kết nào đó. Để có được sự cân bằng hợp lý không phải là dễ dàng!
Năm học sắp bắt đầu, đã đến lúc cần có những quyết tâm, những quyết định, những cam kết; nhưng điều quan trọng nhất là phải trung thành với tất cả những điều đó.
Christine Ponsard
Gia Thi, SDB chuyển ngữ