Thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô được lấy cảm hứng từ thánh Phanxicô Assisi.
Ngày 4 tháng 10, lễ thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một thông điệp mới, gửi đến tất cả những người nam, người nữ thiện chí. Dưới đây là 10 điều chúng ta nên biết về thông điệp đó.
1 – Tên của thông điệp, Fratelli Tutti, có nghĩa là “Tất cả anh em”, và là một trích dẫn trực tiếp từ lời khuyên của thánh Phanxicô. Lời khuyên có nội dung: “Hỡi tất cả anh em, chúng ta hãy coi Vị Mục Tử Nhân Lành là Đấng cứu những con chiên của Ngài đang chịu đau khổ trên Thập Giá” (Lời Khuyên Nhủ, 6.1).
2 – Thông điệp nói về tình huynh đệ và tình bằng hữu trong xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Tôi mong muốn rằng, trong thời đại của chúng ta, bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh khát vọng chung về tình huynh đệ. Tình huynh đệ giữa tất cả người nam và người nữ” (Fratelli Tutti, số 9).
3 – Thánh Phanxicô, nguồn cảm hứng cho thông điệp của Đức Thánh Cha về môi trường, Laudato Si’, cũng đã truyền cảm hứng cho Fratelli Tutti. Đức Thánh Cha đã chứng thực, “Thánh Phanxicô đã có thể đón nhận bình an thực sự trong cõi lòng và giải thoát mình khỏi khao khát bá chủ trên người khác. Ngài trở thành một trong những người nghèo và tìm cách sống hòa thuận với mọi người. Thánh Phanxicô đã truyền cảm hứng cho những trang thông điệp này” (Fratelli Tutti, số 4).
4 – Đức Thánh Cha nói rằng khả năng tình huynh đệ của con người được đặt trên cơ sở phẩm giá bất khả nhượng của mỗi người. Ngài viết, “Tình bằng hữu trong xã hội và tình huynh đệ phổ quát nhất thiết mời gọi sự thừa nhận giá trị của mỗi người, luôn luôn và ở mọi nơi” (Fratelli Tutti, số 108). Nếu phẩm giá của những người khuyết tật, những người nghèo khổ hoặc những người không được tiếp cận với giáo dục bị đe dọa, thì “tình huynh đệ sẽ chỉ còn là một lý tưởng mơ hồ khác” (Fratelli Tutti, số109).
5 – Không có ý định phân tích toàn diện, Đức Thánh Cha đã đề ra một danh sách “những đám mây đen” ngăn cản việc nuôi dưỡng tình huynh đệ của con người. Trong số này có: sự nổi dậy của văn hóa “loại bỏ”, các mối đe dọa đối với phẩm giá của người di cư, đại dịch Covid-19, sự hung hăng được thúc đẩy bởi truyền thông kỹ thuật số, và đánh mất tình yêu của sự khôn ngoan. (Fratelli Tutti, số 9-55).
6 – Trọng tâm thần học của thông điệp là một bài suy niệm về dụ ngôn người Samari nhân hậu. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng, “Dụ ngôn trình bày một cách hùng hồn quyết định căn bản mà chúng ta cần thực hiện để xây dựng lại thế giới bị tổn thương của chúng ta. Đối mặt với quá nhiều vết thương và đau khổ, con đường duy nhất của chúng ta là noi gương người Samari nhân hậu” (Fratelli Tutti, số 66). Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta đừng ở trong số những kẻ trộm cướp, cũng như đừng ở trong số những người bỏ rơi kẻ yếu, nhưng hãy “trở thành những người Samari nhân hậu, những người chịu đựng nỗi đau của những rắc rối của người khác hơn là nuôi dưỡng lòng căm thù và oán giận đang lớn dần” (Fratelli Tutti, số 77).
7 – Tình huynh đệ của con người sẽ được nuôi dưỡng bằng sự tái khám phá tình yêu. Tình yêu gắn kết với việc lôi kéo một người ra khỏi cái tôi của chính họ, cho phép chúng ta trải nghiệm sự sâu sắc và trọn vẹn của cuộc sống. Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Vì vậy, tình yêu không chỉ là một chuỗi các hành động nhân từ. Những hành động đó có nguồn gốc trong sự kết hợp ngày càng hướng tới những người khác, coi họ có giá trị, xứng đáng, thú vị và xinh đẹp bên cạnh dáng vẻ thể chất bề ngoài hay đạo đức của họ” (Fratelli Tutti, số 94).
8 – Đức Thánh Cha kêu gọi một kiểu chính trị mới, thực sự nhằm tìm kiếm lợi ích chung cho tất cả mọi người. Ngài viết, “Việc thiếu quan tâm đến những người dễ bị tổn thương có thể ẩn sau một chủ nghĩa dân túy lợi dụng họ một cách mị dân vì mục đích riêng của nó, hoặc một chủ nghĩa tự do phục vụ lợi ích kinh tế của những người có quyền lực” (Fratelli Tutti, số 155). Trung tâm của nền chính trị mới này phải là đức bác ái, hoạt động bởi sự sẵn sàng hy sinh và sự cởi mở cần thiết để thực sự có đoàn kết.
9 – Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn án tử hình. Ngài viết, “Hôm nay chúng ta tuyên bố một cách rõ ràng rằng, ‘án tử hình là không thể chấp nhận được’ và Giáo hội cam kết kiên quyết kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn thế giới” (Fratelli Tutti, số 263). Lập luận cho thấy rằng ngay cả những kẻ giết người cũng không từ bỏ phẩm giá căn bản của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô coi án tử hình là một hành vi xúc phạm đến phẩm giá bất khả xâm phạm của con người.
10 – Đức Thánh Cha chỉ rõ rằng chứng nhân tốt lành về Thiên Chúa góp phần vào lợi ích chung của xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa với một trái tim chân thành, với điều kiện không bao giờ bị ô uế bởi các mục đích tư tưởng hoặc tư lợi, giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những người bạn đồng hành, thực sự là anh chị em” (Fratelli Tutti, số 274).
Thông điệp kết thúc bằng việc ca ngợi, cùng với thánh Phanxicô Assisi, mẫu gương của Chân phước Charles Foucald. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng, “Chỉ bằng cách nhận biết tối thiểu, cuối cùng ngài mới trở thành anh em của tất cả mọi người”. Đó phải là mục tiêu của mọi Kitô hữu.
Cha Patrick Briscoe, OP
Gia Thi, SDB chuyển ngữ